Hành trình thời trang bền vững của Greenyarn bắt đầu từ mùa hè năm 2011 bằng niềm tin của người sáng lập, về sự hòa hợp, cân bằng giữa con người và thiên nhiên, mong muốn xây dựng một mô hình kinh doanh vải sợi bền vững hoàn thiện. Năm 2012, thương hiệu Greenyarn ra mắt, bắt đầu tập trung vào tìm kiếm các nguồn nguyên liệu xanh, bền vững cho ngành dệt may. Đến nay, Greenyarn – thương hiệu sợi bền vững của Công ty Vải sợi Bảo Lân – đã có năm dòng sản phẩm vải sợi nổi bật như sợi tre chống nắng, sợi hữu cơ, sợi tái chế có chứng chỉ, sợi supima…
Chỉ tập trung vào những sản phẩm bền vững
Gia đình Quách Kiến Lân đã bắt đầu kinh doanh vải sợi từ những năm 1970 của thế kỷ 20 nên nói chính xác là ngành dệt may đã gắn bó với truyền thống gia đình. Được ba mẹ đưa đi du học New Zealand từ nhỏ, thời gian dài sống tại đây khiến anh chịu ảnh hưởng sâu sắc về lối sống và tình yêu môi trường của người New Zealand. Mười năm sống tại New Zealand đã hình thành những suy nghĩ hướng về môi trường, về lối sống bền vững trong tâm trí Lân, và thời trang bền vững là một lựa chọn để kinh doanh.
Bản thân Lân yêu thích một lối sống chậm, gần gũi với thiên nhiên. Anh cũng mong muốn có một môi trường mà đa số người xung quanh mình sống có trách nhiệm, chừng mực, nhà nhà có khu vườn riêng, không khí bên ngoài trong lành, đường phố, sông ngòi luôn sạch sẽ. Anh mong muốn nhìn thấy Việt Nam cũng có thể phát triển theo hướng tốt đẹp như vậy cho tương lai.
Sau khi về nước, anh tham gia công việc kinh doanh của gia đình một thời gian ngắn nhưng nhận thấy rằng không phù hợp, do đó quyết định tự mình mở một công ty riêng – Công ty Vải sợi Bảo Lân – để tập trung phát triển nguồn nguyên liệu dệt may bền vững. Anh lựa chọn kinh doanh trong lĩnh vực vải sợi xuất phát từ truyền thống gia đình, nhưng hướng đến bền vững chỉ vì đó là một phần của cuộc đời mình.
Thời trang bền vững, sản xuất nguyên liệu dệt may từ thiên nhiên vẫn là một hướng đi mới mẻ ở Việt Nam. “Định hướng từ những ngày đầu tiên của Công ty Bảo Lân đã là bền vững, và chỉ tập trung vào những sản phẩm bền vững, do đó chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, suýt đóng cửa đến hai lần. Những khó khăn ngày đầu đó không chỉ ở việc khách hàng không quan tâm đến sản xuất bền vững, mà còn ở việc chúng tôi không thể tìm thấy nguồn nguyên liệu bền vững để phát triển. Sau những lần thất bại đã cho tôi được bài học rằng cần phải có một kế hoạch tổng thể và tầm nhìn xa với những thử nghiệm ở số lượng ít, từ đó thường xuyên đổi mới và cải tiến dần để ngày một tốt hơn. Chúng ta có thể bắt đầu với việc chưa hoàn hảo, nhưng cần phải thay đổi và phát triển chính mình để ngày một tiệm cận sự hoàn hảo”, Quách Kiến Lân nói.
Bảo Lân đi sâu vào nghiên cứu, tìm nguồn, phát triển và phân phối các loại vải sợi thiên nhiên đến các nhà sản xuất và công ty dệt may Việt Nam. Khó khăn nhất không phải ở việc nghiên cứu hay sản xuất ra sản phẩm, mà đó là làm cho khách hàng thay đổi thói quen cũ để thực hiện theo đúng quy trình của sản phẩm. Những gì đã quen thường khó thay đổi, do đó Lân phải giới thiệu nhiều về sản phẩm cũng như thuyết phục bằng nhiều cách để khách hàng thử nghiệm.
Phải phổ biến, dễ tiếp cận
Năm 2017, Công ty Bảo Lân ra mắt dự án Gý19 lấy cảm hứng từ di sản và văn hóa Việt Nam. Ý tưởng về màu của sợi mélange được truyền cảm hứng từ những cảnh đẹp dân dã, có ý nghĩa và gắn liền với người Việt Nam. Từ những hình ảnh chọn lọc kỹ càng, nhà thiết kế đã thổi hồn vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam vào những sản phẩm riêng với nét giá trị văn hóa, tri thức đậm chất bản địa.
Chất liệu sợi được dùng cho bộ sưu tập là cotton 100%, kết hợp với tiêu chuẩn nhuộm tơ của Oekotex (một tiêu chuẩn nhuộm tơ sợi ít gây ô nhiễm môi trường), hướng đến mục tiêu là những sợi mélange từ Gý19 sau khi hết hạn sử dụng có thể phân hủy được, không gây hại đến thiên nhiên và môi trường.